Bản tin về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PC&CC Thủ đô

23:34 - 27/04/2016

Bản tin về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PC&CC Thủ đô

Các tình huống cần cứu nạn, cứu hộ luôn luôn diễn ra hằng ngày và đa dạng, đòi hỏi sự ứng phó khẩn trương, kịp thời trong xử lý các tình huống. Vì vậy, ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. 

Hà Nội là Trung tâm chính trị hành chính quốc gia, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế. Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.344 km2, dân số khoảng 7,3 triệu người, với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, số lượng công trình xây dựng lớn với 1.500 nhà chung cư cao tầng, 243 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, 217 làng nghề truyền thống, 38 cụm, khu công nghiệp, 04 kho xăng dầu, 489 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 22 trạm san chiết nạp gas…với đặc thù và tốc độ phát triển kinh tế xã hội, sự tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mưa bão, hạn hán thì tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố và thiên tai luôn tiềm ẩn, khó lường…

Trong những năm vừa qua, số lượng tình huống cần cứu nạn, cứu hộ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến vô cùng phức tạp. Mỗi năm cả nước xảy ra trên 20.000 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố, tai nạn khác. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm 2015 Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận được 63 yêu cầu cứu nạn, cứu hộ; cứu được 382 người (trong đó 33 người bị thương) và tìm được 13 thi thể nạn nhân, thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

Các vụ tai nạn, sự cố xảy ra nếu không được tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời sẽ để lại hậu quả khôn lường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Do đó, ngày 11/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Theo đó, việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các sự cố lớn, mang tính thảm họa như lũ lụt, sóng thần, động đất, sập hầm lò, tràn dầu trên biển v.v… được giao cho các đơn vị có liên quan thuộc Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thực hiện.

Tuy nhiên, các tình huống cần cứu nạn, cứu hộ luôn luôn diễn ra hằng ngày và đa dạng, đòi hỏi sự ứng phó khẩn trương, kịp thời trong xử lý các tình huống. Vì vậy, ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của chính phủ:

1. Các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy bao gồm:

- Có người bị nạn trong sự cố cháy, nổ;

- Có người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm;

- Có người bị nạn trong các sự cố sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình;

- Có người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông;

- Có người bị mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm;

- Các tình huống cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.

2. Các lực lượng phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ gồm:

- Lực lượng dân phòng: là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú;

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở: được thành lập ở nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định;

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

Trong đó lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là lực lượng chuyên nghiệp và có nhiệm vụ thường trực cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố xảy ra.

3. Nhiệm vụ, trách nhiệm của các lực lượng trong công tác cứu nạn, cứu hộ:

* Lực lượng dân phòng có nhiệm vụ: 

- Cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn khác khi được yêu cầu;

- Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; vận động quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ.

- Tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân trên địa bàn.

- Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.

* Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở có nhiệm vụ: 

- Cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trong cơ sở và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở ngoài cơ sở khi được yêu cầu.

- Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở.

- Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của cơ sở.

* Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành có nhiệm vụ: 

- Cứu nạn, cứu hộ ban đầu đối với các tai nạn, sự cố xảy ra thuộc phạm vi quản lý và tham gia ở ngoài phạm vi quản lý khi được huy động.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho các cơ quan, đơn vị trong ngành.

- Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.

- Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của ngành.

* Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có nhiệm vụ: 

- Là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ

- Tham mưu cho Bộ Công an và chính quyền địa phương về tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về tìm kiếm cứu nạn.

- Bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo các tình huống cơ bản được quy định tại Điều 12 Quyết định này trong phạm vi địa bàn quản lý; xây dựng, tổ chức thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng: dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ.

4. Đối với việc quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cu nạn, cứu hộ

- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được trang bị phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dùng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

- Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; đôn đốc đội viên Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo yêu cầu sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ

5. Khi phát hiện có sự cố, tai nạn, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ cụ thể:

- Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý thì phải triển khai ngay nhiệm vụ cứu nạn ban đầu. Trường hợp sự cố tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải Hô hoán, báo động để mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại báo tin cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo số điện thoại 114, đồng thời báo cho chính quyền địa phương sở tại và công an nơi gần nhất.

Khi báo tin, người dân cần cung cấp thông tin đầy đủ về vụ việc theo những nội dung:

+ Địa chỉ xảy ra sự cố, tai nạn;

+ Loại sự cố, tai nạn;

+ Số lượng người mắc kẹt trong sự cố, tai nạn; tình trạng sức khỏe và những mối nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị nạn. 

- Nếu phát hiện có người mắc kẹt, bị nạn mà có thể giải cứu được thì khẩn trương sử dụng các phương tiện có khả năng cứu nạn (thiết bị phá dỡ như xà beng, búa, rìu; dây buộc, phao, nẹp, nạng…) đưa người bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm, tổ chức hướng dẫn, trấn an tinh thần người mắc nạn trong các sự cố.

 - Đón và cung cấp các thông tin liên quan đến sự cố, tai nạn; bàn giao công tác điều hành, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ cho Cảnh sát PC&CC; thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ khi được yêu cầu.

- Khi bản thân đang bị mắc kẹt trong các tình huống sập đổ nhà, công trình; sạt lở đất, đá; mắc kẹt trong đám cháy:

+ Hết sức giữ bình tĩnh để xử lý tình huống. Nếu có thể di chuyển được, hãy di chuyển ra những nơi an toàn (góc tường, góc nhà; bên dưới các đồ vật có tác dụng che chắn; ban công, hành lang thông thoáng;…) để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng;

+ Nếu không di chuyển được thì hãy hô, hét, gọi to, gõ vào tường hoặc bật đèn chiếu sáng của điện thoại di động để thông báo vị trí đang mắc nạn cho những người xung quanh và lực lượng chức năng biết; tuyệt đối tin tưởng vào lực lượng cứu nạn, cứu hộ và Cảnh sát PC&CC.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi nhận được thông tin về sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho Ban Chỉ huy, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Hà Nội nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Khi sự cố, tai nạn lớn mang tính thảm họa thì phải báo cáo ngay cho thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Trọng Quát

Bài viết liên quan

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại KonTum
Hình ảnh hoang tàn sau đám cháy tại công ty bao bì ở Bình Dương
Thiết kế và thẩm duyệt hạng mục PCCC công trình xã hội Bảo Vinh
Tư vấn thiết kế - Thẩm duyệt PCCC Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà
Thi công hệ thống PCCC Trường Mầm non Hoàng Liệt