Một số khuyến cáo khi sử dụng các thiết bị tự thoát hiểm.

23:24 - 27/04/2016

Một số khuyến cáo khi sử dụng các thiết bị tự thoát hiểm.

Trong thời gian vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra một số vụ cháy nhà cao tầng và nhà dạng ống gây nhiều thiệt hại về người. Có những vụ cháy làm nhiều người mắc kẹt trong nhà, không thoát ra được (điển hình vụ cháy chung cư HH4A, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai vào hồi 11h15’ ngày 16/9/2015; vụ cháy tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La, quận Hà Đông vào hồi 19h23’ ngày 11/10/2015…), tính mạng của người dân bị đe dọa nếu không được giải cứu kịp thời.

Một trong nhiều nguyên nhân gây mắc kẹt trong nhà khi có sự cố cháy, nổ là do các yêu cầu về thoát nạn của công trình không đáp ứng được theo các quy định đảm bảo an toàn PCCC (thiếu lối thoát nạn; hệ thống báo cháy, chữa cháy, thông gió, thoát khói, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn… không được thi công lắp đặt hoặc có lắp đặt nhưng không hoạt động đảm bảo theo yêu cầu). 

Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị và người dân tự đi mua các thiết bị như thang dây, ống tụt, dây hạ chậm cứu người… phục vụ cho việc tự thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Chúng ta phải lưu ý rằng sử dụng thang dây, ống tụt, dây hạ chậm cứu người là phương thức cuối cùng để tự thoát nạn (khi người bị nạn không sử dụng được cầu thang bộ, không được sự giúp đỡ của các lực lượng PCCC và tính mạng thực sự bị đe dọa).

Nguyên lý sử dụng các thiết bị này là móc một đầu vào một vật cố định rồi trèo hay tụt xuống. Người ta thường sử dụng chúng để thoát nạn qua cửa sổ, ban công, hành lang, mái nhà, sân thượng… xuống dưới đất.

Hình ảnh về một số thiết bị tự thoát hiểm

 

 

 

 

 

 

 

Các thiết bị tự thoát hiểm này có nhiều nguồn gốc xuất sứ, hình dáng, mẫu mã khác nhau và chất lượng cũng khác nhau, được quảng cáo, bán công khai trên thị trường. Người mua cũng không được hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng, bảo quản thiết bị nên có thể xảy ra tai nạn, sự cố khi sử dụng, vì những lý do sau đây:

- Sai kỹ thuật (đeo đai bảo hiểm sai cách, dây bị xoắn, tuột tay…) là nguy hiểm đến tính mạng.

- Tâm lý người sử dụng (Phần đông mọi người hay bị chóng mặt do sợ độ cao và nếu không được thử thách thực tế, nhiều người không dám sử dụng các thiết bị này).

- Do tác động của môi trường bên ngoài khi tụt xuống (rung, lắc dây nhất là khi có gió to hoặc bị ảnh hưởng của lửa, khói trên đường thoát nạn).

- Do các điểm móc treo thiết bị không vững chắc, làm cho thiết bị rơi xuống.

- Do việc bảo quản, bảo dưỡng thiết bị không đảm bảo, để xảy ra các sự cố kỹ thuật (đứt, tuột..).

Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, người dân khi sử dụng thang dây, ống tụt, dây cứu người hạ chậm như sau:

- Các thiết bị phải được kiểm định về chất lượng, kỹ thuật bởi các cơ quan chức năng theo luật định.

- Sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy định.

- Vị trí lắp đặt các thiết bị này phải chắc chắn, an toàn và lối thoát nạn không bị lửa, khói hay các mối nguy hiểm khác đe dọa.

- Phải được hướng dẫn sử dụng thực tế của nhà sản xuất, các đơn vị cung cấp hoặc các cơ quan chức năng./.

Trương Đức Dũng

Bài viết liên quan

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại KonTum
Hình ảnh hoang tàn sau đám cháy tại công ty bao bì ở Bình Dương
Thiết kế và thẩm duyệt hạng mục PCCC công trình xã hội Bảo Vinh
Tư vấn thiết kế - Thẩm duyệt PCCC Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà
Thi công hệ thống PCCC Trường Mầm non Hoàng Liệt